Bình Phước sẽ làm gì để nói không với sử dụng động vật hoang dã?

Tỉnh Bình Phước sẽ tăng cường các đợt thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các nhà hàng và cơ sở kinh doanh ăn uống, buôn bán, tàng trữ, chế biến động vật hoang dã trái phép trên địa bàn tỉnh.

Nhà hàng, quán ăn sẽ bị xử lý nếu vi phạm bảo vệ động vật hoang dã

Tỉnh Bình Phước có diện tích rừng tự nhiên là 55.977,26ha với nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học cao. Trong đó, nhiều loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đang được bảo vệ tại Vườn quốc gia Cát Tiên và Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Bình Phước sẽ làm gì để nói không với sử dụng động vật hoang dã?- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước tiến hành thả cá thể Tê Tê về với môi trường tự nhiên.

Thông tin với PV Người Đưa Tin, ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh luôn chú trọng đến các vấn đề môi trường, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, nhằm cải thiện chất lượng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Cùng với đó, tỉnh Bình Phước đã thực hiện các hoạt động liên quan đến các cơ sở kinh doanh ăn uống, bao gồm ký cam kết không buôn bán, tàng trữ và chế biến động vật hoang dã trái phép với các nhà hàng, quán ăn và tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai chiến dịch khuyến khích các cơ sở thực hiện cam kết bảo vệ động vật hoang dã và lên án các đơn vị vi phạm.

Công an tỉnh Bình Phước chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã.

Công an phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến và sử dụng động vật hoang dã trái phép. Đồng thời, tổ chức giám sát các hoạt động trong chuỗi sự kiện bảo đảm an ninh trật tự.

Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép sẽ bị phát hiện và xử lý kịp thời. Vi phạm có thể bị phạt hành chính từ 5 triệu đến 360 triệu đồng (theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP) hoặc bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” hoặc tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” (theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017).

Công an tỉnh Bình Phước kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường và thiên nhiên. Đồng thời, nghiêm cấm mọi hành vi liên quan đến động vật hoang dã trái phép. Nếu phát hiện vi phạm, người dân hãy báo ngay cho lực lượng công an hoặc cơ quan chức năng gần nhất, để xử lý kịp thời.

Bình Phước sẽ làm gì để nói không với sử dụng động vật hoang dã?- Ảnh 2.

Du khách đến thăm quan tại Trung tâm Tuyên truyền, du lịch và cứu hộ bảo tồn Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước).

Lan tỏa tình yêu động vật và thiên nhiên

Bảo tồn các loài thú quý hiếm không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ thiên nhiên mà còn góp phần lan tỏa tình yêu động vật và giữ gìn môi trường cho thế hệ tương lai.

Theo ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), thông điệp “Nói không với động vật hoang dã trái phép” là cam kết mạnh mẽ nhằm bảo vệ hệ động vật rừng quý giá. Ông cho rằng, chúng ta cần lên tiếng thay cho những loài động vật không thể tự bảo vệ mình.

Trong khi đó, ông Phạm Thụy Luân nhấn mạnh: “Bảo vệ động vật hoang dã là yếu tố then chốt để duy trì sự ổn định của tự nhiên và hạn chế các thiên tai. Thông qua công tác tuyên truyền, nói không với việc sử dụng động vật hoang dã trái phép sẽ tạo ra một làn sóng thay đổi mạnh mẽ khi người dân cùng chung tay thực hiện".

Hiện, công tác bảo vệ động vật hoang dã tại Bình Phước gặp không ít khó khăn. Ngoài phải đối mặt với nạn săn bắt trộm các loài động vật hoang dã quý hiếm, thì công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã cũng còn nhiều hạn chế.

Ông Trần Văn Trưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyên truyền, du lịch và cứu hộ bảo tồn Vườn quốc gia Bù Gia Mập chia sẻ: "Do thiếu kinh phí, chúng tôi cảm thấy rất áy náy khi phải vận chuyển động vật hoang dã bằng xe máy. Điều này khiến công tác cứu hộ chưa đạt được các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm".

Ông Trưởng cũng cho biết, việc trì hoãn các đợt cứu hộ đã tạo tâm lý không tốt đối với những người yêu động vật hoang dã.

“Công tác cứu hộ cần phải được triển khai liên tục, không theo từng đợt. Chúng tôi mong muốn có nguồn kinh phí kịp thời để thực hiện công tác cứu hộ, chăm sóc và huấn luyện động vật hoang dã trước khi thả về tự nhiên", ông Trần Văn Trưởng cho hay.

Ngày 9/1, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND về thực hiện chuỗi hoạt động “Tỉnh Bình Phước nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”. Mục tiêu là nâng cao ý thức về bảo vệ đa dạng sinh học, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước đã đề ra 6 nội dung thực hiện, bao gồm: Tổ chức 1 hội thảo về tăng cường thực thi pháp luật, nâng cao năng lực và hiệu quả phòng, chống săn bắt và buôn bán động vật hoang dã tại huyện Bù Đăng; tổ chức 1 hội thảo tuyên truyền nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn động vật hoang dã tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng; hệ thống ấn phẩm tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động cộng đồng không sử dụng động vật hoang dã trái phép; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; triển khai chuỗi hoạt động liên quan đến nhà hàng và cơ sở kinh doanh ăn uống; khảo sát đánh giá hiệu quả thực hiện chuỗi hoạt động trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng vùng đệm đối với vấn đề bảo tồn động vật hoang dã.