Bộ Công Thương khẩn cấp kiểm tra an toàn tại hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ

Sau khi đạt đỉnh, Thủy điện Bản Vẽ bắt đầu đóng dần cửa van, giới hạn xả không quá 5.000 m³/s nhằm cứu nhà máy Thủy điện Nậm Nơn phía hạ lưu đang có nguy cơ bị ngập.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Wipha), chiều 23/7, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc khẩn cấp với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ nhằm rà soát công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện và ứng phó thiên tai trên lưu vực sông Cả.

Theo báo cáo của ông Tạ Hữu Hùng – Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ, từ tối 22/7, do hoàn lưu bão số 3, một đợt lũ lớn xuất hiện trên sông Cả, gây áp lực lớn lên hệ thống thủy điện khu vực như Bản Vẽ, Hủa Na, Nậm Nơn...

Tại Thủy điện Bản Vẽ, lũ bắt đầu xuất hiện lúc 4h ngày 22/7 với lưu lượng 583 m³/s, mực nước hồ ở mức 189,08 m. Đến 10h cùng ngày, lưu lượng lũ tăng nhanh đạt 1.500 m³/s, mực nước hồ đạt 194,36 m. Ngay sau đó, lúc 10h15, Công ty nhận được lệnh vận hành giảm lũ từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An.

Bộ Công Thương khẩn cấp kiểm tra an toàn tại hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ- Ảnh 1.

Bộ Công Thương đã có buổi làm việc khẩn cấp với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ.

Từ 16h00 ngày 22/7, nhà máy bắt đầu vận hành xả lũ với tổng lưu lượng 845 m³/s (trong đó 508 m³/s qua tràn, các cửa van mở hoàn toàn), mực nước hồ đạt 191,23 m, tiệm cận mực nước đón lũ thấp nhất (191,5 m). Mưa lớn tiếp tục kéo dài khiến lưu lượng nước về hồ tăng nhanh, đạt đỉnh vào 2h sáng 23/7 với mức 12.800 m³/s; lưu lượng xả lúc này là 3.285 m³/s.

"Sau khi đạt đỉnh, vào lúc 6h45 ngày 23/7, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, công ty bắt đầu đóng dần cửa van, giới hạn xả không quá 5.000 m³/s nhằm cứu nhà máy Thủy điện Nậm Nơn phía hạ lưu đang có nguy cơ bị ngập", ông Hùng thông tin.

Trước tình hình lũ khẩn cấp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành Công điện hỏa tốc số 5458 ngay trong đêm 22/7, trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cùng các đơn vị quản lý hồ chứa trên địa bàn, đặc biệt là Thủy điện Bản Vẽ và Hủa Na, khẩn trương triển khai các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho công trình và người dân vùng hạ du.

Bộ Công Thương khẩn cấp kiểm tra an toàn tại hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ- Ảnh 2.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo điều hành việc vận hành hồ chứa.

Ngày 23/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Công điện số 5494, yêu cầu các đơn vị trong ngành duy trì tinh thần cảnh giác cao độ, sẵn sàng hành động để bảo vệ an toàn công trình, tài sản và tính mạng người dân khu vực hạ du sông Cả.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng chỉ đạo lập Đoàn công tác của Bộ Công Thương trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo điều hành việc vận hành hồ chứa, đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Trịnh Văn Thuận – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đề nghị EVN, Tổng công ty Phát điện 1 và Thủy điện Bản Vẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thủy văn, cập nhật liên tục dự báo mưa lũ để sẵn sàng các phương án ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ".

Người dân mòn mỏi chờ bồi thường, hỗ trợ tái định cư từ thủy điện Bản VẽÁp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới, dự báo thời tiết xấu

"Các đơn vị phải thực hiện nghiêm quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa đã được phê duyệt. Đồng thời, tổ chức trực ban phòng chống thiên tai 24/24h, báo cáo kịp thời các tình huống bất thường cho cơ quan chức năng", ông Thuận nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Trịnh Văn Thuận lưu ý Thủy điện Bản Vẽ cần vận hành một cách khoa học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình. Đặc biệt, phải thông báo sớm cho người dân trước khi tiến hành điều tiết nước.

Ngoài ra, các đơn vị cần khẩn trương rà soát, kiểm tra tình trạng đập, thiết bị xả, hệ thống cảnh báo vùng hạ du, đảm bảo thông tin được truyền đạt rõ ràng qua loa, còi, đèn, biển báo, cột thủy trí… tại các khu vực nguy hiểm.

"Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, đến thời điểm này, tình hình tại các công trình thủy điện đã cơ bản được kiểm soát, đảm bảo an toàn cho công trình, đồng thời góp phần cắt, giảm lũ cho hạ du", ông Thuận thông tin thêm.