Một cơn sốt sưu tầm mới xuất hiện khắp mạng xã hội đất nước tỷ dân. Nấm bụng dê, nấm mũ sữa, nấm mối hay nấm matsutake… những loại nấm vốn đã thu hút sự tò mò bởi hình dạng, màu sắc khiến người “săn” không chỉ bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của chúng mà còn là cảm giác lần mò giữa rừng sâu để có thể kiếm tìm.
Bất chấp côn trùng, tán lá rậm rạp và những con đường hiểm trở… việc tìm kiếm nấm đồng thời còn là một trải nghiệm đắm chìm kết hợp giữa khám phá thiên nhiên và văn hóa.
Trong cuộc cạnh tranh gay cấn này, những người ở tỉnh Vân Nam có thể có lợi thế hơn bởi đây là một trong ba tỉnh của Trung Quốc tự hào có thời tiết lý tưởng cho nấm. Hệ sinh thái đa dạng nơi đây trải dài từ rừng mưa nhiệt đới đến vùng núi cao, là nơi sinh sống của gần 900 loài nấm hoang dã, chiếm khoảng 36% các loại nấm ăn được trên thế giới và 90% tổng số của Trung Quốc. Hai tỉnh còn lại là Tứ Xuyên và Chiết Giang.
Những bài đăng trên internet ghi lại những chuyến đi săn nấm thú vị nhanh chóng nhận được sự quan tâm, biến hoạt động vốn rất quen thuộc của người dân địa phương thành một trào lưu bùng nổ.
Từ đây, các công ty lữ hành cũng đầu tư phát triển, cung cấp các trải nghiệm có hướng dẫn, đặc biệt là cho những người chưa từng thử, nhiều nhất là trong mùa hái nấm, từ tháng 6 đến tháng 9. Hoạt động sẽ kéo dài 5-6 giờ bao gồm dịch vụ vận chuyển, đi bộ đường dài, tìm nấm và thưởng thức bữa ăn theo chủ đề nấm, giới hạn số lượng du khách thường là nhóm nhỏ từ 2 đến 10 người.
Theo báo cáo, số lượng người tham gia hái nấm chuyên nghiệp đã tăng gấp 10 lần trong năm nay. Một số hướng dẫn viên có thể kiếm được hơn 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.000 USD) mỗi tháng. Những con số ấn tượng này đã cho thấy tác động mạnh mẽ của trào lưu.
Đối với người dân địa phương, việc hướng dẫn mọi người lên núi hái nấm đem lại kế sinh nhai, thậm chí họ còn hợp tác các tổ chức du lịch hay nhà hàng làm tiệc nấm để thu hút khách.
Song khi hoạt động “săn nấm” tiếp tục trở nên phổ biến, thì mối lo ngại lại càng gia tăng. Cơ quan an toàn thực phẩm tỉnh Vân Nam ban hành cảnh báo về những rủi ro khi hái, bán và tiêu thụ nấm hoang dã, đặc biệt là những loại nấm mốc hoặc khó nhận biết. Các hướng dẫn viên cũng cần được đào tạo chuyên nghiệp, có chứng chỉ leo núi hay kiến thức về nấm để đảm bảo an toàn cho du khách trong mọi tình huống bất ngờ.