Hai show anh trai không đại diện cho bức tranh công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam

Đánh giá về nền công nghiệp biểu diễn, công nghiệp văn hóa trong nửa đầu năm 2025, các chuyên gia cho rằng điểm sáng vẫn thuộc về các concert của hai show Anh trai và sự nổi lên của các nghệ sĩ bước ra từ hai show. Theo đó, các chuyên gia nhận định trường hợp của hai show anh trai không đại diện cho bức tranh công nghiệp biểu diễn, công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Live show, concert hạ nhiệt ?

Năm 2024 ghi nhận sự bùng nổ mạnh mẽ của chuỗi concert sau chương trình Anh trai say hi , Anh trai vượt ngàn chông gai và loạt live show, concert như Những thành phố mơ màng , GENfest , 8WONDER … Ngoài ra, khán giả cũng được tận hưởng những live show, concert cá nhân của hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi như Tùng Dương, Hồng Nhung...

Nối tiếp thành công từ năm 2024, nửa đầu năm 2025, khán giả vẫn được đắm chìm trong những bữa tiệc âm nhạc “đã tai, đã mắt”. Nổi bật nhất trong 6 tháng đầu năm 2025 vẫn phải nhắc đến thành công của chuỗi concert của Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai. Concert của hai chương trình đã tổ chức đến lần thứ 6 tại Thủ đô Hà Nội và TPHCM.

Hai show anh trai không đại diện cho bức tranh công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam- Ảnh 1.

Hai show anh trai không đại diện cho bức tranh công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam- Ảnh 2.

Hai show anh trai không đại diện cho bức tranh công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam- Ảnh 3.

Hai show anh trai không đại diện cho bức tranh công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam- Ảnh 4.

Chuỗi concert Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi không hề giảm nhiệt.

Có thể nói, thị trường live show, concert trong nửa đầu năm 2025 tăng trưởng về số lượng khi nhiều nghệ sĩ bước ra từ hai chương trình anh trai tham gia vào cuộc đua làm show. Tuy nhiên, phần lớn nghệ sĩ không tập trung vào làm show lớn, hoành tráng mà chuyển hướng làm các show nhỏ và vừa.

Theo khảo sát, số lượng ca sĩ tổ chức live show, concert cá nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong 6 tháng đầu năm 2025, có Giáng Sol, Hà Anh Tuấn, Phan Mạnh Quỳnh và Soobin Hoàng Sơn đứng ra tổ chức show cá nhân quy mô lớn và bán được hết vé. Còn lại, đa số các nghệ sĩ đều chọn tổ chức mini show, mini concert hoặc các show diễn ở quy mô vừa và nhỏ có khoảng vài trăm đến hơn 1.000 khán giả.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - nói rằng nếu so sánh với nửa cuối năm 2024 - thời điểm thị trường bùng nổ mạnh mẽ nhờ hiệu ứng dây chuyền từ hai show đình đám Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai, nửa đầu năm 2025 có phần “dịu nhiệt” hơn.

“Cần nhìn nhận rằng cú huých từ hai show anh trai đã tạo ra một hiệu ứng tích cực cho cả ngành biểu diễn, kéo theo sự quan tâm, đầu tư và kỳ vọng lớn từ công chúng lẫn nhà tổ chức. Tuy nhiên, sau giai đoạn “cao trào”, thị trường cần một sự điều chỉnh để tái cấu trúc và chuẩn bị cho những bước đi bền vững hơn”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

Hai show anh trai không đại diện cho bức tranh công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam- Ảnh 5.

Hai show anh trai không đại diện cho bức tranh công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam- Ảnh 6.

Soobin thành công khi thực hiện hai đêm solo concert tại Hà Nội.

Ông Bùi Hoài Sơn nhận định thị trường live show, concert đã có sự chuyển hướng mang tính chiến lược. Theo đó, thay vì dồn dập tổ chức các show hoành tráng chỉ để chạy theo xu hướng, nhiều nghệ sĩ và ê-kíp tổ chức đã chọn cách đầu tư kỹ lưỡng hơn cho từng chương trình, từ nội dung, kịch bản nghệ thuật, thiết kế sân khấu đến trải nghiệm khán giả. Các show diễn có thể không “có tiếng” trên truyền thông, nhưng lại được đánh giá cao về chiều sâu nghệ thuật, sự chỉn chu trong dàn dựng và mức độ gắn kết với cộng đồng người hâm mộ.

“Thị trường đang phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và đa dạng, với sự phân tầng rõ rệt về đối tượng khán giả, loại hình biểu diễn, chiến lược tổ chức. Đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự trưởng thành của ngành công nghiệp biểu diễn, khi nó không còn phụ thuộc vào những hiện tượng ngắn hạn, mà đang hình thành những giá trị dài hạn, bền vững hơn”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Khó lặp lại thành tích của hai show anh trai

Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng sau một thời gian bùng nổ với những show hoành tráng, thị trường biểu diễn cần thời gian để tái cấu trúc. Việc này không xảy ra ở góc độ tổ chức sản xuất, mà còn ở khâu đào tạo nguồn nhân lực, định hình chiến lược thương hiệu cá nhân cho nghệ sĩ, cũng như đầu tư lâu dài vào công nghệ, không gian biểu diễn và mô hình kinh doanh.

Chung quan điểm với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, TS. Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies) - cho rằng công nghiệp biểu diễn là một lĩnh vực của công nghiệp văn hóa nhưng nó không chỉ dựa vào những chương trình biểu diễn nhất thời. Theo ông, những hoạt động có tính dài hạn và bền vững mới tạo ra giá trị lâu dài.

Hai show anh trai không đại diện cho bức tranh công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam- Ảnh 7.

Hai show anh trai không đại diện cho bức tranh công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam- Ảnh 8.

Chuyên gia nhận định hai show Anh trai say hi hay Anh trai vượt ngàn chông gai không đại diện cho nền công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Nói về nguyên nhân thị trường live show, concert có vẻ chững lại, ông Lê Quốc Vinh cho rằng một chương trình gây sốt năm ngoái đến bây giờ có lẽ đã bão hòa bởi một sản phẩm thành công không thể lặp đi lặp lại mãi được.

“Công nghiệp văn hóa chính là sáng tạo và được sáng tạo liên tục. Năm ngoái chúng ta có hai chương trình anh trai thành công nhưng chúng ta không thể nào theo mãi format ấy. Đến nay, chương trình vẫn còn sức hút, nhưng không ai có thể đảm bảo nó sẽ kéo dài mãi mãi. Điều này buộc những nhà sản xuất, nhà sáng tạo tìm ra được giải pháp mới, những ý tưởng mới. Công nghiệp văn hóa cần những sự thay đổi liên tục ấy”, TS. Lê Quốc Vinh cho biết.

Hai show anh trai không đại diện cho bức tranh công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam- Ảnh 9.

Hai show anh trai không đại diện cho bức tranh công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam- Ảnh 10.

Hai show anh trai không đại diện cho bức tranh công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam- Ảnh 11.

Hai show anh trai không đại diện cho bức tranh công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam- Ảnh 12.

Sự chững lại của thị trường là thời điểm để ngành biểu diễn lấy đà, lặng lẽ chuẩn bị cho những bước nhảy xa hơn, sâu hơn và mang tầm vóc lớn hơn trong tương lai.

Nhìn nhận về sự phát triển công nghiệp biểu diễn, công nghiệp văn hóa hiện nay của Việt Nam, TS. Lê Quốc Vinh cho rằng lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. "Những sản phẩm mang tính chất đột phá như Anh trai say hi hay Anh trai vượt ngàn chông gai không đại diện cho nền công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đấy là những sản phẩm mang tính bề nổi và thành công nhờ cơ may", TS. Lê Quốc Vinh nêu.

Ông phấn khởi với niềm tin, sự động viên, nỗ lực của cơ quan chính quyền và người dân, tuy nhiên để có được nền công nghiệp văn hóa còn cả một quá trình cố gắng. Bên cạnh đó, khán giả Việt ngày càng thông minh, tinh tế và đòi hỏi cao hơn về trải nghiệm nghệ thuật.

"Điều này buộc các nhà sản xuất không thể tổ chức chương trình theo kiểu ăn xổi mà phải sáng tạo, đầu tư bài bản, tìm được điểm giao thoa giữa tính nghệ thuật, giải trí và bản sắc văn hóa. Thay vì lo ngại về sự chững lại, chúng ta có thể nhìn nhận đây là thời điểm ngành biểu diễn lấy đà, lặng lẽ chuẩn bị cho những bước nhảy xa hơn, sâu hơn và mang tầm vóc lớn hơn trong tương lai", PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhận định.