Kiên Giang: Cầu bắc ngang kênh xáng Chưn Bầu sập, lộ thêm nhiều vi phạm?

TTTĐ - Sau khi xảy ra sự cố ngày 26/5/2024, công trình cầu bắc ngang kênh xáng Chưn Bầu (xã Thạnh Đông, Tân Hiệp, Kiên Giang) lộ thêm nhiều dấu hiệu vi phạm về kỹ thuật và tài chính.

Bất cập về thiết kế kỹ thuật

Công trình xây mới “Cầu ngang kênh xáng Chưn Bầu (đoạn cuối kênh 9) thuộc xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp” được triển khai theo Quyết định số 203/QĐ-UBND ngày 24/5/2022 về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình do Chủ tịch UBND xã Thạnh Đông Nguyễn Quốc Khánh ký.

Ngày 27/5/2022, UBND xã Thạnh Đông đã ký Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 8/2022/HĐ-XD với Công ty TNHH Xây dựng Phúc Ý, để xây mới chiếc cầu.

Tuy nhiên, sau đó 3 ngày, tức 30/5/2022, UBND xã Thạnh Đông mới tổ chức họp xét thầu thi công.

Công ty TNHH Xây dựng Phúc  dừng thi công do sự cố sập cầu ảnh hưởng nghiêm trọng việc đi lại của xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp.
Công ty TNHH Xây dựng Phúc Ý dừng thi công do sự cố sập cầu ảnh hưởng nghiêm trọng việc đi lại của xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp

Đáng nói, sau khi “mọi chuyện đã rồi” thì ngày 8/6/2022, UBND xã Thạnh Đông mới có tờ trình gửi Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang để xin thông số kỹ thuật chiếc cầu.

Ngày 20/7/2022, Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang có công văn số 950/SGTVT-KCHT&CLCT gửi UBND xã Thạnh Đông, cho ý kiến như sau: “Kênh Chưn Bầu được quy hoạch cấp V, có khoang thông thuyền 15m, tĩnh không 4m. Tuy nhiên, vị trí xây dựng cầu đấu nối vào đường kênh Chưng Bầu, độ dốc dọc cầu 14%.

Việc đấu nối sẽ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Do đó, chủ đầu tư có phương án thiết kế khác đấu nối trực tiếp vào đường kênh Chưn Bầu, giảm độ dốc cầu để đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác”.

Công văn của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang gửi UBND xã Thạnh Đông
Công văn của Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang gửi UBND xã Thạnh Đông

Mặc dù có kiến nghị của Sở Giao thông vận tải nhưng chiếc cầu vẫn được thi công theo thiết kế ban đầu, cho đến khi gặp sự cố.

Một số chuyên gia xây dựng còn chỉ ra, trong hồ sơ thi công chiếc cầu có nhiều sai sót cơ bản, chẳng hạn: Không tiến hành khảo sát, thăm dò địa chất trước khi lập thiết kế; thi công không có đơn vị tư vấn, giám sát.

Sau khi xảy ra sự cố, ngày 29/5/2024, UBND huyện Tân Hiệp có quyết định thành lập Tổ Giám định nguyên nhân.

Tiếp đó, ngày 30/5/2024, UBND tỉnh Kiên Giang đã có công văn số 4971/VP-KT gửi Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Thanh tra tỉnh và các Sở, ngành yêu cầu xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, báo cáo đề xuất xử lý.

Đến nay, vụ việc chưa có thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng.

Thiếu minh bạch tài chính

Bạn đọc tiếp tục phản ánh với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô những bức xúc về sự thiếu minh bạch trong kinh phí xây dựng chiếc cầu, diễn ra từ trước khi xảy ra sự cố.

Cụ thể vào ngày 20/5/2022 (trước khi có chỉ định thầu), các ông: Nguyễn Minh Ngọc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tân Hiệp; Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Đông; Nguyễn Văn Sơ, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Hội (đơn vị sẽ trực tiếp thi công, quy đổi ra thành kinh phí từ thiện) và bà Ngô Thị Thanh Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Phúc Ý đã có buổi làm việc nhằm mục đích “Nhờ tư cách pháp nhân để thực hiện công trình: Cầu ngang kênh xáng Chưn Bầu”.

Biên bản làm việc UBMTTQ huyện Tân Hiệp và xã Thạnh Đông
Biên bản làm việc UBMTTQ huyện Tân Hiệp và xã Thạnh Đông

Biên bản buổi làm việc ghi rõ: “Do tổ thi công của Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Hội không có năng lực tổ chức hoạt động xây dựng và tư cách pháp nhân để trực tiếp ký hợp đồng thực hiện thi công công trình, hôm nay, UBND xã mời Công ty TNHH Xây dựng Phúc Ý đến để xem xét giúp đỡ địa phương cũng như UBND xã Thạnh Đông và Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo về việc nhờ tư cách pháp nhân của công ty để ký hợp đồng thi công công trình”.

Chiếc cầu có tiền đóng góp của người dân nên lúc đó một số người biết nội dung buổi làm việc đã đặt câu hỏi: Việc làm như thế có đúng với quy định pháp luật hay không và ai là người phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố?

Đáng nói thêm, vào ngày 7/9/2022, ông Nguyễn Minh Ngọc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tân Hiệp chủ trì cuộc họp “thống nhất nội dung đối ứng kinh phí xây dựng cầu Ngang Kênh xáng Chưn Bầu”.

Biên bản cuộc họp xác định: “Ủy MTTQ huyện chịu trách nhiệm hỗ trợ toàn bộ các thủ tục giấy tờ, pháp lý có liên quan đến công trình xây dựng cầu bao gồm: Hồ sơ thiết kế, bản vẽ và các thủ tục hành chính khác”.

Đặc biệt, trong biên bản cuộc họp có phần ghi về vốn đối ứng xây cầu khá chi tiết. “Đối ứng kinh phí 1.100.000.000 đồng trên tổng kinh phí xây dựng cầu; Trong đó bao gồm, ngân sách UBND huyện 900.000.000 đồng, Ủy ban MTTQ huyện 150.000.000 đồng, UBND xã Thạnh Đông 50.000.000 đồng.

Thực tế, chi đổi ứng tiền mặt là 1.000.000.000 đồng còn lại 100.000.000 đồng đội thi công giao lại cho UBND xã Thạnh Đông (chủ đầu tư) để trả tiền chi phí bản vẽ thiết kế, chi phí thẩm định, giám sát, các hồ sơ thủ tục hành chính, mua hóa đơn GTGT thanh toán và một số chi phí phát sinh khác chỉ theo thực tế”.

Nội dung cuộc họp lúc đó đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao Ủy ban MTTQ huyện chịu trách nhiệm việc xây cầu?

Trong quyết định phê duyệt dự án ngày 24/5/2022 có ghi rõ vốn ngân sách đã chi cho tư vấn, thiết kế, thẩm định, giám sát, tại sao còn dùng tiền đóng góp của người dân để chi?

Đặc biệt, cụm từ “mua hóa đơn GTGT thanh toán” thực tế nghĩa là gì? Có phải Ủy ban MTTQ huyện Tân Hiệp và UBND xã Thạnh Đông trong việc xây dựng chiếc cầu này đã công khai vi phạm pháp luật?

Theo: Kiều Liên - Thái Đào/Tuổi trẻ Thủ đô

Cầu bắc ngang kênh xáng Chưn Bầu sập, lộ thêm nhiều vi phạm? (tuoitrethudo.vn)