Người quan trọng nhất Tây Du Ký 1986: cát-xê cao nhất đoàn phim, vượt cả “Tôn Ngộ Không”, đạo diễn phải thuê chuyên cơ đến đón chỉ để xuất hiện 3 phút

Dù chỉ góp mặt vỏn vẹn 3 phút trong siêu phẩm truyền hình đình đám Tây Du Ký, nữ diễn viên này vẫn được xem là “người đặc biệt” nhất của cả đoàn phim, nhận đãi ngộ không ai bì được.

Đã gần 40 năm trôi qua kể từ ngày phát sóng đầu tiên, Tây Du Ký phiên bản 1986 vẫn là tác phẩm truyền hình kinh điển trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Phim được sản xuất trong điều kiện thiếu thốn về kinh phí, kỹ xảo còn thô sơ, nhưng chính tâm huyết và tài năng của đạo diễn Dương Khiết cùng ê-kíp đã làm nên một tác phẩm đi cùng năm tháng.

Trong hoàn cảnh ngân sách hạn hẹp, nhiều diễn viên phải rút lui giữa chừng vì mức cát-xê không đủ chi trả sinh hoạt. Tuy nhiên, có một ngoại lệ hiếm hoi, đó chính là nữ diễn viên Mã Lan. Mặc dù chỉ đóng vai phụ xuất hiện 3 phút, nhưng không ai ngờ cô lại là người nhận được mức đãi ngộ cao nhất đoàn.

Mức cát-xê cao gấp nhiều lần vai chính

Trong Tây Du Ký, Mã Lan vào vai tiểu thư Ân Ôn Kiều, ái nữ của Ân thừa tướng. Sau này, nàng trở thành phu nhân của Trạng nguyên Trần Quang Nhụy. Trong lúc cùng chồng đến nhậm chức tại Giang Châu, nàng không may gặp biến cố. Sau khi chồng bị kẻ xấu sát hại, Ân Ôn Kiều một mình sinh hạ con trai, chính là Trần Huyền Trang - Đường Tăng sau này.

Vai diễn Ân tiểu thư xuất hiện rất ngắn, không lời thoại, nhưng mang tính chất nền tảng cho sự ra đời và hành trình tu hành sau này của Đường Tăng. Chính vì vậy, đạo diễn Dương Khiết vô cùng thận trọng trong việc tuyển chọn diễn viên cho vai này.

Người quan trọng nhất Tây Du Ký 1986: cát-xê cao nhất đoàn phim, vượt cả “Tôn Ngộ Không”, đạo diễn phải thuê chuyên cơ đến đón chỉ để xuất hiện 3 phút- Ảnh 1.

Diễn viên Mã Lan (trái) và đạo diễn phim Tây Du Ký - Dương Khiết

Khi thấy Mã Lan trên sân khấu kịch, bà Dương Khiết lập tức “chấm” và cho rằng không ai khác có thể đảm nhận được vai diễn ấy. Tuy nhiên, lời mời ban đầu đã bị Mã Lan từ chối vì bận lịch trình khác.

Quyết không từ bỏ, đạo diễn Dương Khiết tuyên bố chắc nịch: “Không có Mã Lan, sẽ không có Tây Du Ký”. Cuối cùng, bà thuyết phục được Mã Lan tham gia bằng cách thuê chuyên cơ riêng đưa cô từ Bắc Kinh đến phim trường tại Vân Nam chỉ để quay một cảnh duy nhất, sau đó lại đưa về trong cùng ngày để kịp trở lại đoàn kịch.

Để mời được Mã Lan, đoàn phim chấp nhận trả thù lao 20.000 NDT (hơn 71 triệu đồng), một con số rất lớn vào thập niên 1980. Thời điểm đó, Lục Tiểu Linh Đồng, diễn viên chính thủ vai Tôn Ngộ Không cũng chỉ nhận được 100 NDT (hơn 350 nghìn đồng) thù lao mỗi tập, tức là chưa bằng 1% so với Mã Lan.

 

Sự ưu ái này không hề gây tranh cãi, bởi khi lên sóng, vai diễn của Mã Lan đã khiến nhiều khán giả phải ngỡ ngàng. Trong khoảnh khắc đứng trên lầu cao ném tú cầu kén chồng, dù không có lời thoại, nữ diễn viên vẫn toát lên thần thái của một tiểu thư khuê các đúng chuẩn “bước ra từ trang sách”.

Cảnh quay xúc động nhất là khi Ân Ôn Kiều nén đau thương, phải đành lòng bỏ rơi đứa con của mình để cho con có thể sống sót. Chỉ bằng ánh mắt, đôi bàn tay run rẩy cố níu giữ mà bất lực buông xuôi, Mã Lan đã truyền tải được toàn bộ nỗi đau của một người mẹ mất con mà không cần đến bất kỳ lời thoại hay tiếng khóc nào hỗ trợ.

Tài năng đáng nể và hôn nhân viên mãn ở tuổi xế chiều

Mã Lan sinh năm 1962, là nữ nghệ sĩ hàng đầu của sân khấu kinh kịch Trung Quốc. Năm 20 tuổi, bà đã được phong tặng danh hiệu diễn viên hạng nhất cấp quốc gia. Trong sự nghiệp, bà từng đoạt nhiều giải thưởng lớn như giải Hoa Mai (1986) – danh giá nhất trong giới kinh kịch, cũng như giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại hai giải thưởng lớn là Kim Ưng và Phi Thiên (1988).

Không chỉ là nghệ sĩ, bà còn là giảng viên uy tín trong giới học thuật. Mã Lan hiện là giáo sư tại Đại học Truyền thông Chiết Giang, đồng thời là chuyên gia danh dự của Học viện Hý kịch Thượng Hải.

Người quan trọng nhất Tây Du Ký 1986: cát-xê cao nhất đoàn phim, vượt cả “Tôn Ngộ Không”, đạo diễn phải thuê chuyên cơ đến đón chỉ để xuất hiện 3 phút- Ảnh 2.
Người quan trọng nhất Tây Du Ký 1986: cát-xê cao nhất đoàn phim, vượt cả “Tôn Ngộ Không”, đạo diễn phải thuê chuyên cơ đến đón chỉ để xuất hiện 3 phút- Ảnh 3.

Mã Lan sống hạnh phúc bên người chồng lớn hơn bà 16 tuổi

Năm 2007, bà được Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Lincoln (New York, Mỹ) và Hiệp hội Mỹ - Trung vinh danh với “Giải thưởng thành tựu trọn đời dành cho nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất”.

Hiện nay, ở tuổi 62, Mã Lan sống hạnh phúc bên chồng là Dư Thu Vũ, một nhà lý luận nghệ thuật, nhà tiểu luận, sử gia văn hóa và nguyên hiệu trưởng Học viện Hý kịch Thượng Hải. Dù không có con, cả hai vẫn giữ được tình cảm mặn nồng, thường xuyên cùng nhau đi du lịch, dạo phố như thuở còn trẻ.

Ba phút trên màn ảnh nhỏ là rất ngắn, nhưng đủ để khắc họa đậm nét một tài năng lớn. Mã Lan không chỉ mang đến cho Tây Du Ký một trong những phân cảnh xúc động nhất, mà còn là minh chứng cho chân lý: nghệ thuật đích thực không cần phô trương, chỉ cần chạm đến trái tim khán giả.

(Theo Sohu)