Tết đến, nhà nhà người người đều háo hức chuẩn bị đón một năm mới. Đối với những người phụ nữ thì chuẩn bị kỹ lưỡng cho những bữa cơm Tết sum vầy là điều khiến họ khá bận tâm. Là người nắm tay hòm chìa khóa trong nhà, họ không chỉ phải chuẩn bị sao cho Tết đủ đầy mà còn phải đảm bảo không khiến cái Tết trở thành áp lực kinh tế cho gia đình.
Thông thường, mỗi dịp Tết, bên cạnh những chi phí sắm sửa khác thì chi phí dành cho việc mua thực phẩm luôn là khoản tốn kém khá nhiều. Riêng gia đình tôi thường sẽ chi khoảng 10 triệu đồng, thậm chí hơn, để mua thực phẩm tích trữ.
Thực phẩm tôi thường mua chủ yếu để phục vụ mâm cúng và các bữa ăn gia đình trong mấy ngày Tết, với quan điểm phóng khoáng đầu năm có cả năm dư dả nên tôi thường sẽ tích trữ khá nhiều, để chật kín ngăn đông tủ lạnh.
Tuy nhiên thực tế là những năm gần đây không có năm nào gia đình tôi sử dụng hết chỗ thực phẩm này, số thịt thà mua để đầy tủ đó thậm chí hết tháng Giêng vẫn còn chất như núi, ăn mãi không hết mà càng để lâu thì càng không đảm bảo và mất ngon. Chồng tôi cũng cứ nói mãi về việc này và cho rằng tôi tiêu hoang.
Thời đại bây giờ chỉ đến mùng 2 Tết, các hàng quán đã mở cửa trở lại và chợ thì bắt đầu nhộn nhịp. Bên cạnh đó, thường chỉ đến tầm mùng 3 Tết là nhà tôi đã làm hóa vàng, sau đó là hầu như toàn ăn ở nhà nội ngoại, bạn bè, họ hàng và nhiều khi đi chơi xuân mệt quá thì tạt vào hàng quán ăn luôn cho nhanh. Vì vậy mà những năm gần đây, nhà tôi thường xuyên còn thừa thực phẩm sau Tết, vừa lãng phí vừa tốn kém.
Năm nay, tôi đã quyết tâm cắt giảm ngân sách mua thực phẩm xuống còn một nửa, cụ thể là chỉ chi 5 triệu cho việc mua thực phẩm Tết. Để làm được điều này, tôi đã bắt đầu lên kế hoạch mua sắm từ sớm, cân nhắc kỹ lưỡng về số lượng và loại thực phẩm cần mua. Tôi chỉ tập trung vào những món ăn mà gia đình thực sự yêu thích và chắc chắn sẽ tiêu thụ hết trong những ngày Tết.
Tôi cũng không còn mua sắm thực phẩm theo kiểu "truyền thống" mà chú trọng vào việc mua những thứ cần thiết và tươi ngon. Việc mua sắm theo danh sách đã chuẩn bị giúp chúng tôi tránh mua thêm những thứ không cần thiết.
Nhưng nhìn chung để thay đổi 1 thói quen chi tiêu mua sắm không phải nói là làm được ngay. Để làm được điều này, tôi đã thực hiện một số bước như sau:
1. Lên danh sách cần mua:
- Xác định mục tiêu là sử dụng hết thực phẩm mua sắm, loại bỏ những món không thực sự cần thiết.
- Tính toán số lượng cần thiết dựa trên số người trong gia đình và khả năng tiêu thụ của từng loại thực phẩm.
2. Chọn lựa thực phẩm cần thiết:
- Thực phẩm tươi sống: Gà (1 con khoảng 1,5kg), cá (1-2kg), thịt lợn (2kg), rau củ vừa phải cho khoảng 4 ngày.
- Bánh chưng hoặc bánh tét: Khoảng 5 chiếc cỡ nhỏ hoặc vừa.
- Đồ khô và hạt: Đậu phộng, hạt dưa, mứt (chỉ mua những loại thực sự được ưa chuộng).
- Đồ uống: Trà, cà phê, nước ngọt, rượu vang (không mua nhiều rượu bia vì hầu hết khách đều tự lái xe đến chúc Tết và thời điểm này thường rất khó bắt các loại xe công nghệ).
- Hoa quả: Mua vừa đủ, chú trọng đến hoa quả có thể bảo quản lâu như cam, quýt, táo, dưa hấu.
3. Cách thức mua sắm:
- Mua sắm từ sớm: Tận dụng các chương trình khuyến mãi trước Tết để mua những thực phẩm có thể bảo quản lâu dài.
- Mua thực phẩm tươi sống vào những ngày gần Tết nhất để đảm bảo tươi ngon.
- Tìm mua tại các chợ đầu mối hoặc chợ truyền thống để có giá tốt hơn.
3. Lưu ý khi mua sắm:
- Tránh mua quá nhiều mà không dùng hết.
- Chọn thực phẩm dễ bảo quản, tránh lãng phí.
- Kiểm tra hạn sử dụng và chất lượng của sản phẩm, nhất là đối với đồ khô và hạt.
4. Ngân sách chi tiêu:
Dùng 5 triệu đồng để phân bố cho các nhóm thực phẩm:
- Các loại thịt: 1 triệu đồng
- Gà cúng: 1 triệu đồng
- Rau, củ, quả: 300.000 đồng
- Bánh truyền thống: 500.000 đồng
- Đồ ăn tiếp khách: 500.000 đồng
- Đồ uống: 500.000 đồng
- Hoa quả: 500.000 đồng
- Phát sinh: 700.000 đồng
Số lượng thực phẩm này có thể thừa hoặc thiếu. Nếu thừa thì cũng không quá nhiều và có thể sử dụng sau Tết, nếu thiếu thì tôi hoàn toàn có thể ra chợ hoặc các cửa hàng tiện lợi, siêu thị để mua thêm.