Tuần trước, khi ở sân bay, tôi gặp một người bạn, gia đình anh ấy làm nghề sản xuất dép lê.
Anh ấy định đến Quảng Châu để thăm một ông chủ chuyên làm kinh doanh xuyên biên giới. Tôi biết thị trường chính của gia đình anh ấy là ở trong nước, nên khá tò mò không hiểu sao lại tính đến chuyện kinh doanh xuyên biên giới, bèn hỏi thử.
Hỏi ra mới biết, gia đình anh ấy đã bắt đầu triển khai mảng thương mại điện tử xuyên biên giới từ năm ngoái, trước tiên thử sức ở thị trường Đông Nam Á, sau đó chuyển sang thị trường Nga, hiện tại đã bắt đầu có một số kết quả ban đầu.
Lần này đến Quảng Châu là vì công việc gặp phải nút thắt, muốn học hỏi thêm cách vận hành tinh gọn và chuyên sâu hơn.
Tôi lo lắng hỏi, mấy năm nay quá nhiều người đổ vào làm kinh doanh xuyên biên giới rồi, liệu công việc này sắp tới có phải sẽ ngày càng khó làm không?
Anh ấy cười và nói: "Ai cũng đang sống không dễ dàng gì, nếu đánh thắng được người ta thì tôi cứ bám trụ, còn nếu không thắng nổi thì tôi lại xoay sang con đường mới."
Lời lẽ tuy thô nhưng lý lẽ chẳng sai, câu nói đó đã làm tôi bừng tỉnh. Những người thật sự muốn kiếm tiền sẽ không bao giờ than vãn về hoàn cảnh, mà chỉ luôn tìm đủ mọi cách để mở ra không gian sinh tồn cho mình.

01
Chuyện của người bạn khiến tôi nhớ đến một bài phóng sự của Tân Kinh Báo về những bà chủ ở Nghĩa Ô (nơi được mệnh danh là khu chợ lớn nhất thế giới). Trong một thời gian dài, các bà chủ ở Nghĩa Ô chủ yếu giao tiếp với khách nước ngoài bằng tiếng Anh. Mỗi sáng, họ đều luyện tập thể dục ở sân trung tâm của khu thương mại sầm uất, rồi luyện nói tiếng Anh như học sinh tiểu học học bài trên lớp. Nhưng vài năm gần đây, do ảnh hưởng của thuế quan và việc mở rộng thị trường mới, họ bắt đầu học tiếng Ả Rập và tiếng Tây Ban Nha. Diêu Bảo Quyên, 55 tuổi, là một trong số đó. Bà luôn đứng ở hàng đầu tiên trong đội luyện đọc buổi sáng. Cửa hàng của bà không nằm trong khu chợ thương mại quốc tế, nhưng mỗi sáng bà đều đạp xe nửa tiếng đến đó để học tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ả Rập, gần như không bỏ sót buổi học nào. Buổi tối, bà còn đăng ký học tiếng Nga ở lớp đêm, mỗi ngày đều kín lịch từ sáng đến tối. Giờ đây, bà đã biết cách dùng tiếng Ả Rập bản địa để "đáp trả" các chiêu mặc cả, và cũng đã xây dựng được một lượng khách hàng ổn định.
Thuế quan ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thương nhân, nhưng đối với những bà chủ Nghĩa Ô biết tìm lối đi mới, họ không hề tuyệt vọng.
Ba năm được mùa, ba năm mất mùa. Vài năm trước có thể còn là biển xanh ngập tràn cơ hội, nhưng năm nay có thể đã là biển đỏ khó lòng đứng vững. Thay vì ở yên một chỗ than vãn, chi bằng thay đổi tư duy, tìm một bước đột phá mới.
Tại Huệ Châu, Quảng Đông, có một ông chủ Mạt đã kinh doanh đồ gia dụng nhỏ từ 20 năm trước. Do vào ngành sớm nên lúc đó mỗi năm ông kiếm được hàng trăm nghìn tệ. Nhưng sau đó, khi thương mại điện tử trỗi dậy, việc kinh doanh của ông sa sút nghiêm trọng. Cả năm làm việc, thu nhập chỉ đủ cầm cự qua ngày, cuộc sống vô cùng chật vật. Vài năm trước, lúc không có việc làm, ông ở nhà suy nghĩ tìm hướng đi mới. Ông tổng kết lại nguyên nhân khiến mình thất thế, chủ yếu là vì không theo kịp sự phát triển của thời đại. Rồi ông thuê phiên dịch và lập tức sang Việt Nam 'tìm miền đất hứa'. Sau một vòng khảo sát, ông về nước, đóng cửa tiệm, thuê kho ở Việt Nam và bắt đầu triển khai công việc.
Dựa vào kinh nghiệm tích lũy suốt mấy chục năm, ông nhanh chóng xây dựng được hệ thống phân phối. Ngay tháng đầu tiên, ông đã kiếm được khoản lợi nhuận tương đương với cả năm làm việc trong nước.
Khi ngành đang phát triển, phải nỗ lực cày sâu để làm giàu; khi ngành thoái trào, thì cần biết nghèo mà nghĩ cách , thuận thế mà đi.
Cây dời thì chết, người dời thì sống. Nếu đường đã đi tới ngõ cụt, thì hãy chọn con đường khác. Người thật sự muốn kiếm tiền sẽ không cố thủ mãi trên mảnh đất nhỏ bé của mình, mà sẽ biết đi tìm môi trường mới, cơ hội mới.

02
Trong tự nhiên, có một loài động vật trông thì có vẻ tầm thường, nhưng thực ra lại rất lợi hại. Đó chính là chim sẻ. Trong rừng, nó bắt sâu, ăn hạt rau, sống một cuộc đời rất thoải mái. Khi bị đặt vào thành phố, nó sẽ chủ động đi tìm thức ăn trong công viên, thùng rác, và vẫn kiên cường sinh tồn được. Chim sẻ là một hình mẫu rất đáng học hỏi - ở mỗi môi trường khác nhau, nó lại có chiến lược sinh tồn khác nhau.
Trước đây, khắp nơi đều là cơ hội và lợi ích, chỉ cần ngồi lên bàn chơi là yên tâm kiếm tiền. Nhưng vài năm gần đây, khi những "làn gió đông" đã biến mất, thì tư duy kiếm tiền cũng cần phải thay đổi. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, điều đầu tiên họ nghĩ đến là cắt giảm chi phí quảng cáo. Vì thế, mấy năm gần đây, ngành quảng cáo cũng rất khó kiếm tiền, ví dụ như quảng cáo trong tàu điện ngầm.
Nhưng tàu điện ngầm Quảng Châu đã tung ra một chiêu độc. Từ năm ngoái, Quảng Châu bắt đầu cho phép cá nhân mua quảng cáo. Chạy quảng cáo cá nhân trong 5 ngày, chỉ mất vài trăm tệ. Nhiều người đã sáng tạo đủ kiểu với hình thức này. Có người chỉ vì thấy vui nên mua quảng cáo chơi, có người dùng để chúc mừng sinh nhật vợ, có người đăng tin tìm việc.
Trước đây, 10 hộp đèn trong tàu điện ngầm Quảng Châu đều là quảng cáo. Còn bây giờ, có thể một hoặc hai cái là nội dung sáng tạo "nổ não". Như vậy, khi hành khách rời tàu, họ sẽ giống như đang lướt Douyin (TikTok), cứ đi là lại có cái để xem. Khi mọi người ngẩng đầu lên xem nhiều hơn, thì độ chú ý cũng tăng theo. Nhờ đó, những nhà quảng cáo doanh nghiệp thực sự cũng càng sẵn sàng chi tiền để quảng bá ở đây. Nửa đầu năm 2024, doanh thu quảng cáo của ngành tàu điện ngầm trên toàn quốc nhìn chung là sụt giảm. Nhưng riêng Quảng Châu lại đạt được mức tăng trưởng hiếm hoi.
Tôi biết hai năm nay, cuộc sống của nhiều người đều rất khó khăn. Nhiều người đã vấp ngã, thất bại, tâm lý dễ cáu gắt hơn, và nỗi niềm chất chứa cũng nhiều hơn. Nhưng chỉ biết than phiền thì không thể thay đổi thực tại, cũng chẳng giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn.
Thích nghi để sinh tồn - đó là quy luật không bao giờ thay đổi. Người muốn kiếm tiền sẽ thay đổi cách chơi, điều chỉnh chiến lược, tìm kiếm hướng đột phá mới - và ngay trong hoàn cảnh khó kiếm tiền nhất, họ vẫn có thể moi ra được tiền.

03
Dạo gần đây tôi đang đọc một cuốn sách có tên "Cẩm nang của Charlie nghèo" , trong đó Charlie Munger kể một câu chuyện về người chú của ông. Chú của Charlie Munger – Fred – từng tốt nghiệp xuất sắc từ Trường Kiến trúc của Đại học Harvard. Ông thiết kế nhà thờ và các công trình nhỏ ở Omaha, dần dần có tiếng tăm, một năm có thể kiếm được gần 10.000 đô la – mức thu nhập rất cao vào thời điểm đó. Nhưng sau đó, nước Mỹ rơi vào cuộc Đại Suy Thoái, các kiến trúc sư lần lượt thất nghiệp, và chú Fred cũng không ngoại lệ.
Bất đắc dĩ, ông lần lượt chuyển đến California rồi Los Angeles. Ngoài việc tiếp tục làm công việc kiến trúc cũ, ông còn từng làm thợ giặt là, làm việc vặt. Dù thu nhập rất thấp, nhưng ông không bao giờ cảm thấy mất mặt, cũng chưa từng than vãn với ai.
Đến năm 1936, khi Cục Quản lý Nhà ở Liên bang (FHA) được thành lập, Fred – người luôn không ngừng tự cứu mình – đã đón nhận bước ngoặt lớn trong đời. Ông trở thành kiến trúc sư trưởng của FHA tại Los Angeles. Khi hồi tưởng về chú mình, Munger nói: "Ông ấy chưa bao giờ nản chí, chưa bao giờ than thân trách phận. Tôi chưa từng nghe ông ấy phàn nàn điều gì cả."
Sự biến động của hoàn cảnh chung, đối với một số người là mùa đông không thể vượt qua, nhưng với người khác lại là cơ hội "người trụ lại là vua" .
Khó khăn không chỉ đang thử thách riêng bạn. Rắc rối cũng không chỉ tìm đến bạn. Nếu bạn kiên cường hơn người khác, bạn sẽ có cơ hội chờ được ngày thời thế xoay chuyển.
Một blogger làm trong ngành kho lạnh. Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường yếu, ngành kho lạnh rơi vào vòng xoáy giá rẻ. Nhiều người trong ngành hoang mang lo lắng, bất kể là thiết kế, lắp đặt hay bảo trì kho lạnh, đều bắt đầu đua nhau hạ giá không giới hạn, coi giá rẻ là vũ khí cuối cùng để cứu vãn thị trường đang ảm đạm. Anh ấy giữ được sự bình tĩnh, suy nghĩ cẩn trọng. Anh cho rằng không thể lao vào cuộc chiến giá cả, vì đua đến cùng chỉ là tự cắt đường sống của mình. Anh bắt đầu thu hẹp quy mô công việc, đóng một số mảng dịch vụ phụ, cắt bỏ các khoản chi không cần thiết, và tập trung chăm sóc tốt nhóm khách hàng cũ hiện tại.
Trong một lần trò chuyện với cộng sự, anh từng nói: "Bây giờ không phải là ai kiếm được nhiều hơn, mà là ai lỗ ít hơn." Chỉ những người lỗ ít nhất mới có thể tiếp tục ở lại bàn chơi, chờ cơ hội kiếm tiền quay trở lại.
Thời buổi này, thực ra không cần oán trời trách đất – chẳng ai sống dễ hơn ai cả. Bạn nghĩ bài mình cầm toàn là bài xấu, nhưng nghĩ kỹ lại, bài của người khác cũng chưa chắc đẹp hơn bạn. Lúc này, điều bạn cần là sự kiên nhẫn và từ bỏ thói quen than phiền. Chịu đựng được giai đoạn vận xui nhất của cuộc chơi, vượt qua đáy vực của sự nghiệp - chắc chắn một ngày nào đó, bạn sẽ giành lại được tất cả những gì đã mất.

▽
Trong một buổi họp báo, có phóng viên hỏi CEO của Amazon – Jeff Bezos: "Ông cho rằng trong 10 năm tới, điều gì sẽ thay đổi nhiều nhất?"
Bezos trả lời rằng, đây là một câu hỏi hay, nhưng có một câu hỏi còn hay hơn: "Trong 10 đến 20 năm tới, điều gì sẽ không thay đổi?"
Trong mắt Bezos, sự bất định mới là tiết tấu chủ đạo của thế giới này.
Thay vì mãi oán trách hoàn cảnh, chi bằng giữ vững tâm thế. Khi bạn giảm bớt than phiền, dừng việc tự tiêu hao năng lượng, vậy thì cho dù có rơi vào vực sâu không đáy, đi tiếp về phía trước vẫn là tiền đồ rực rỡ.