Trong văn hóa Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, nghi thức nhập trạch – lễ vào nhà mới – từ lâu đã được coi là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự khởi đầu cho cuộc sống mới tại nơi ở mới. Theo quan niệm dân gian cũng như trong phong thủy, nghi thức này thường được chọn thực hiện vào ngày, giờ đẹp, phù hợp với tuổi của gia chủ.
Ngoài ra trong suốt thời gian diễn ra lễ nhập trạch, cũng có những hoạt động quan trọng mà gia chủ cần lưu tâm thực hiện, không được bỏ sót. Việc làm sau đây tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là ví dụ rất điển hình, thậm chí nó được đánh giá là một trong những việc làm không thể thiếu ở mọi lễ nhập trạch. Đó là việc bật bếp nấu của căn nhà mới.
Vậy lý do vì sao cần phải bật bếp nấu khi nhập trạch nhà mới? Thực tế không phải ai cũng hiểu ý nghĩa sâu xa đằng sau hành động này.

Ảnh minh họa
Ý nghĩa của việc bật bếp nấu khi nhập trạch
Theo quan niệm phong thủy và tín ngưỡng dân gian, bếp là trái tim của ngôi nhà, tượng trưng cho sự sống, sự ấm cúng và tài lộc. Cũng theo quan niệm phong thủy, khi nhập trạch, việc bật bếp nấu được xem là hành động quan trọng nhằm “khai hỏa” cho ngôi nhà, giúp kích hoạt dòng năng lượng dương, xua tan không khí lạnh lẽo, tạo nền tảng cho một khởi đầu thuận lợi.
Thực tế quan niệm này còn được giải thích dựa trên những cơ sở khoa học nhất định. Cụ thể, trong môi trường nhà mới, chưa có người ở, không khí thường ít đối lưu và dễ tích tụ hơi ẩm hoặc vi khuẩn. Việc đun nấu tạo ra nhiệt lượng và chuyển động không khí giúp cải thiện vi khí hậu trong nhà, đồng thời tạo cảm giác ấm áp và có sinh khí hơn.
Chính vì vậy, cho đến ngày nay, dù cuộc sống đã hiện đại và phát triển hơn nhiều, song hành động bật bếp đun nấu trong ngày đầu gia chủ chuyển vào nhà mới, làm lễ nhập trạch vẫn là một thủ tục không thể thiếu. Tùy điều kiện mỗi gia đình mà việc bật bếp có thể được thực hiện bằng bếp gas, bếp củi, bếp than hoặc bếp điện, bếp từ.


Bên cạnh các nghi thức cúng, ngọn lửa từ bếp cũng được đánh giá vô cùng quan trọng trong lễ nhập trạch nhà mới theo quan niệm phong thuỷ (Ảnh minh họa)
Song nhiều chuyên gia vẫn khuyên rằng, lựa chọn tốt nhất vẫn nên là loại bếp có thể tạo ra ngọn lửa thật. Đó là bếp gas, bếp củi hoặc bếp than, bởi lửa vốn được xem là biểu tượng của năng lượng sống mạnh mẽ. Người dùng cũng không nên chỉ bật bếp trong thời gian ngắn rồi tắt ngay.
Thay vào đó hãy bật bếp để nấu một món ăn đơn giản, hoặc chỉ cần đun một ấm trà, ấm nước để duy trì ngọn lửa trong thời gian nhất định. Nhiệt và hơi nước bốc lên từ bếp không chỉ mang ý nghĩa “khởi đầu suôn sẻ” mà còn tạo cảm giác ấm cúng, gắn kết các thành viên trong gia đình.
Sau khi nấu món ăn hay đun trà, nước xong, những người có mặt cũng có thể thưởng thức ngay trong ngôi nhà mới như một bữa cơm đầu tiên. Một số chuyên gia phong thủy cũng khuyên rằng người đầu tiên bật bếp nên là chủ nhà hoặc người có tuổi hợp mệnh, để tạo năng lượng tích cực và tránh xung khắc trong những ngày đầu cư trú.

Ảnh Trinh Phạm

Gia chủ có thể sử dụng bất kỳ loại bếp nào, có thể đun một ấm, nồi nước hoặc nấu một món ăn để bật bếp trong ngày nhập trạch (Ảnh minh họa)
Lưu ý khác khi làm lễ nhập trạch
Bên cạnh việc bật bếp, lễ nhập trạch còn bao gồm nhiều bước chuẩn bị và nghi thức quan trọng nhằm đảm bảo quá trình chuyển vào nhà mới diễn ra suôn sẻ và theo các nguyên tắc phong thủy.
Trước hết, gia chủ cần chọn ngày, giờ nhập trạch phù hợp với tuổi mệnh của mình, thường là giờ hoàng đạo, tránh xung khắc. Người đầu tiên bước vào nhà nên là chủ nhà hoặc người hợp tuổi, tay mang theo một số vật tượng trưng cho tài lộc như bó hoa tươi, gạo, muối hoặc lửa. Đây là các vật phẩm mang tính biểu trưng phổ biến trong phong thủy, được cho là giúp kích hoạt năng lượng tích cực trong nhà.

Ảnh minh họa
Chiếu ngủ cũng được xem là một vật dụng quan trọng nên được đưa vào nhà mới ngay lễ nhập trạch. Nếu như bếp lửa thể hiện cho nguồn sống, cho tài lộc, thì chiếu đại diện cho sự cư ngụ ổn định. Trong ngày đầu tiên, gia chủ cũng nên bật toàn bộ đèn điện trong nhà để tăng ánh sáng, giúp ngôi nhà trở nên sáng sủa, thông khí.
Mâm cúng nhập trạch bao gồm: Hương, hoa, nước, trái cây, trầu cau, gạo – muối, rượu và một số món ăn chay hoặc mặn. Sau khi làm lễ khấn thần linh và tổ tiên, gia chủ nên xông hương bằng cách đốt nhang và đi quanh nhà, đặc biệt ở các góc khuất, để tạo sự lưu thông khí.
Nếu có bàn thờ tổ tiên mang từ nhà cũ, gia đình cần thực hiện lễ cáo yết để xin phép an vị tại nhà mới. Sau các nghi thức chính, nên tổ chức một bữa cơm đơn giản, không cần thiết phải mời đông người, nhằm tạo sự khởi đầu thuận lợi và đưa nhà vào trạng thái sinh hoạt.

Ảnh minh họa
Ngoài các việc nên làm, cũng có một số điểm cần tránh. Không nên để nhà cửa trống lạnh quá lâu sau khi nhập trạch; nên ở lại ít nhất một đêm đầu tiên. Tránh đưa vào nhà các vật dụng cũ, hỏng, đặc biệt là chổi cũ, rác thải, để đảm bảo vệ sinh và phong thủy. Cũng không nên ngủ trưa ngay trong ngày nhập trạch, vì bị cho là biểu hiện thiếu sinh khí. Cuối cùng, nên hạn chế tiếng ồn, tranh cãi hoặc hành vi làm xáo trộn không khí trong ngày đầu tiên để đảm bảo quá trình chuyển nhà diễn ra trật tự, gọn gàng và đúng nghi lễ.